THPT ĐÔNG ANH 19 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Trường THPT Đông Anh đã trải qua một chặng đường 19 năm. Thời gian tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ ghi dấu một giai đoạn hình thành và phát triển với những thành tích rất đáng tự hào mà thầy và trò đã đạt được, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của huyện Đông Anh nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung. Hôm nay thầy trò ta cùng ôn lại 19 năm đầy vất vả và cũng rất đáng tự hào của ngôi trường thân yêu này.
Nhớ lại những ngày đầu tiên hình thành ngôi trường Đông Anh yêu dấu. Đó là vào năm cuối cùng của thế kỷ 20, năm 1999. Trên mảnh đất khô cằn, hoang phế, còn in dấu tích của chiến tranh, một ngôi trường nhỏ được xây lên với cái tên: Trường THPT Liên Hà - Phân hiệu Thị trấn Đông Anh. Học sinh khóa đầu tiên năm đó có 8 lớp với tổng số 404 học sinh. Các thầy cô giáo và nhân viên phục vụ chưa đầy 30 người, đều thuộc biên chế của trường THPT Liên Hà. Thầy Nguyễn Hữu Quát là Phó Hiệu trưởng được giao nhiệm vụ phụ trách phân hiệu này. Ngôi trường trơ trọi giữa một vùng đất bỏ hoang không một bóng cây, ngổn ngang sắt thép, bê tông, cả những phế liệu tích tụ trong một thời gian dài. Ngày hè hứng chịu cái nắng hầm hập như đổ lửa, ngày đông đón những cơn gió bấc lạnh cắt da cắt thịt. Thầy trò ngày ấy, ngoài những buổi học văn hóa, hầu hết thời gian còn lại luân phiên lao động để cải tạo môi trường học tập. Những bàn tay chai sần lên vì cầm cuốc cầm xẻng. Biết bao sỏi đá, bê tông từ những công trình đổ nát xưa, đã được dọn chuyển đi, để thay vào đó là những mảnh vườn ươm hoa, những hố trồng cây, những khu đất phẳng để thầy trò tập luyện thể thao hoặc vui chơi giải trí sau giờ học…Bao mồ hôi đã đổ xuống để hoa thơm khoe sắc, cây tỏa bóng xanh trên mảng đất thân yêu này… Có thể nói, những năm khởi đầu gian nan ấy sẽ mãi là kỷ niệm không thể quên của lớp các thầy cô đầu tiên và các em học sinh khóa 1 của trường.
Khi khu nhà Hiệu bộ được hoàn thành, cũng là lúc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập trường THPT Đông Anh vào ngày 22/6/2000. Thầy Nguyễn Hữu Quát chính thức được bổ nhiệm là Hiệu trưởng. Mới đó đã hơn 19 năm. Đó là 19 năm của những khó khăn mà trường phải đối mặt, trong hoàn cảnh cơ chế cạnh tranh thị trường đang dần ăn sâu và môi trường giáo dục. Trước tiên là khâu tuyển sinh, trường ở vị trí cách trường THPT Liên Hà chưa đầy 3 km đường chim bay. Với vị trí địa lý như vậy, các phụ huynh học sinh có xu hướng chọn cho con mình vào trường Liên Hà, vốn là ngôi trường có bề dày về truyền thống học tập, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và vào đại học cao nhất trong khối THPT Huyện Đông Anh. Vì thế, trường Đông Anh non trẻ, liên tiếp trong nhiều năm điểm chuẩn đầu vào kém hơn hẳn trường bạn. Điều đó cũng phản ánh việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nên sự tiến bộ mạnh mẽ, đối với trường là một thử thách lớn, không thể vượt qua một sớm, một chiều.
Về cơ sở vật chất, trên tổng diện tích ban đầu là 9800 m2, trường chỉ có 16 phòng học, một khu Hiệu bộ trong đó có phòng Hội đồng và một số phòng chức năng, một nhà thể chất. Năm 2010, trường đã được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép mở rộng diện tích lên hơn 2 ha. Nhờ vậy, trường có thêm một sân vận động rộng rãi giúp cho học sinh thuận lợi hơn trong rèn luyện thể thao. Hàng năm, trường được Sở Giáo dục Hà Nội bổ sung thêm các thiết bị, để hoàn thiện dần phòng thư viện, phòng tin học, phòng thí nghiệm Vật lý, phòng thí nghiệm Hóa, Sinh…
Hơn 19 năm qua cùng với sự phát triển đi lên không ngừng của đất nước và sự nổ lực của tập thể cán bộ giáo viên, trường đã đạt được những thành tựu đáng kể với 30 lớp học, hơn 1300 học sinh, có tập thể sư phạm gồm 77 cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên.
Các tổ chức trong nhà trường gồm:
* Chi bộ Đảng với 25 đảng viên, cấp ủy 3 đồng chí:
- Bí thư: cô Phạm Thị Hiền.
- Phó bí thư: Thầy Hữu Trung Kiên.
- Chi ủy viên: Cô Phan Thị Thu Lan.
* Ban giám hiệu có 3 thầy cô:
- Hiệu trưởng: cô Phạm Thị Hiền.
- Phó hiệu trưởng: thầy Nguyễn Quốc Hòa.
- Phó hiệu trưởng: thầy Hữu Trung Kiên.
* Công đoàn nhà trường gồm 77 công đoàn viên, được chia thành 5 tổ chuyên môn (Toán, Lý – Tin – KTCN; Hóa – Sinh – KTNN; Xã hội; Văn – Ngoại ngữ và 1 tổ văn phòng).
- Chủ tịch công đoàn: thầy Nguyễn Thế Thông.
- Phó chỉ tịch công đoàn: thầy Phạm Hữu Đoàn.
* Đoàn thanh niên nhà trường có Ban chấp hành gồm 13 đồng chí:
- Bí thư Đoàn: cô Nguyễn Thị Thanh Loan.
* Ban tư vấn tâm lý gồm 2 cô giáo rất nhiệt tình là cô Ngô Thị Mỹ Bình và cô Đoàn Thị Khanh. phòng TVTL đặt tại tầng 3 khu hiệu bộ để giải đáp, tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường.
* Hội CMHS có Ban chấp hành gồm 8 bác trong đó:
- Trưởng Ban đại diện CMHS: bác Trần Thị Hiền PHHS lớp 10A4.
Cho đến thời điểm này, về điều kiện cơ sở vật chất, trường THPT Đông Anh đã bảo đảm nhu cầu cơ bản cho dạy và học của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, do đã trải qua một thời gian dài sử dụng liên tục, hiện tượng xuống cấp các phòng học và các phòng chức năng ngày càng nghiêm trọng. Thêm vào đó, với quy mô 30 lớp và trên 1300 học sinh, trường đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều phòng học, nên nhu cầu được bồi dưỡng thêm, nhất là với đối tượng học sinh yếu, học sinh cuối cấp chưa được đáp ứng thỏa đáng. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả giáo dục của nhà trường.
Thử thách là vậy, nhưng Chi bộ, Ban giám hiệu, cùng với các cán bộ giáo viên nhân viên của trường luôn nhất quán một quan điểm: Phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, xây dựng tốt đội ngũ và nề nếp kỷ cương của nhà trường, hướng tới mục tiêu: Dạy tốt, học tốt.
Vấn đề đầu tiên mà Chi bộ, Ban giám hiệu và liên tịch nhà trường quan tâm đặc biệt, đó là xây dựng đội ngũ. Một điều thuận lợi là trong những năm đầu, trường đã tuyển được phần lớn các thầy cô giáo trẻ, đều là những người đã từng là sinh viên giỏi, giáo viên giỏi, có nguyên vọng thiết tha được về công tác tại trường. Các thầy cô rất nhiệt tình trong công việc, gắn bó với các em học sinh. Ban giám hiệu, liên tịch nhà trường đã chú ý tạo điều kiện để các giáo viên, nhất là thầy cô mới ra trường, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chuyên môn do trường và Sở Giáo dục tổ chức. Nhất là quan tâm việc đổi mới phương pháp, đưa công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, nhằm phát huy khả năng chủ động, sáng tạo và say mê học tập của học sinh…Nhờ vậy, lớp giáo viên trẻ thời ấy đã nhanh chóng trưởng thành, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, được sự yêu mến tin cậy của học sinh và các bậc phụ huynh. Họ cũng là những người tiếp tục dìu dắt lớp đàn em sau này, góp phần tạo nên một đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển đi lên của nhà trường. 19 năm qua đã ghi nhận thành tích rất đáng tự hào của nhiều thầy cô giáo.
Nhà trường đã phối hợp với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, hàng năm đều triển khai các hoạt động thi đua cho giáo viên, tạo môi trường phấn đấu, đồng thời ghi nhận thành tích của các thành viên trong hội đồng nhà trường. Vì thế trong 19 năm qua, có tới hàng trăm lượt cán bộ giáo viên nhân viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cùng hàng trăm sáng kiến được xếp loại cấp thành phố. Số giáo viên đạt trên chuẩn là 19 thầy cô, chiếm tỷ lệ 28.36%.
Thầy dạy giỏi, mẫu mực, ắt có trò ngoan, học giỏi. Mặc dù học sinh đầu vào còn hạn chế về chất lượng, nhưng nhiều năm liền, thành tích mà các em học sinh đạt được không hề kém so với các trường trong huyện, thậm chí có những năm mang tính nổi trội rõ rệt. Trước tiên phải kể đến đội ngũ học sinh giỏi. Nhà trường đã coi đây là những hạt giống tốt, phải chú ý quan tâm bồi dưỡng. Tuy thiếu thốn về phòng học, nhưng Ban giám hiệu nhà trường vẫn tổ chức lớp học chuyên đề mỗi tuần 03 buổi cho các em học sinh giỏi ở các khối. Thầy cô dạy chương trình này đều là những người dày dạn kinh nghiệm, vững chắc về chuyên môn. Các em học sinh, qua các lớp học chuyên đề, ngoài kiến thức cơ bản được củng cố vững chắc, còn được mở rộng, nâng cao và được rèn thêm về kỹ năng tư duy, khả năng đánh giá nhìn nhận và giải quyết vấn đề…Các em là đối tượng được lựa chọn để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cụm trường và thành phố. Trong 19 năm qua, số các em học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố hàng năm đạt khoảng 50% (trong tổng số học sinh tham dự kỳ thi). Đặc biệt, có em Nguyễn Thị Thanh Hòa lớp 12A1 năm học 2002- 2003 đã được dự thi cấp quốc gia môn Lịch sử.
Nói đến công tác bồi dưỡng chất lượng đội ngũ và nâng cao kết quả học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh, không thể không kể đến các hoạt động hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện dạy và học mà trường THPT Đông Anh đã thực hiện bền bỉ trong suốt 19 năm qua. Do cơ sở vật chất của trường đang ngày càng xuống cấp mà kinh phí tu sửa hoặc xây mới vô cùng hạn hẹp, nên hàng năm, nhà trường đã tích cực đẩy mạnh công tác Xã hội hóa giáo dục, nhờ đó đã huy động được sự hỗ trợ của hội CMHS, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đối với nhà trường như: xây nhà để xe, nhà căng tin, tu sửa nhà thể chất, thay mới hệ cửa sổ mục nát của các phòng học, làm đường vào sân vận động, hạ ngầm đường điện cao thế qua sân vận động, bê tông hóa khu vực bãi đất xung quanh căng tin, bổ sung và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cải tạo hệ thống điện, nước, vệ sinh sạch sẽ khu nhà hiệu bộ và nhà học…Đặc biệt, trường đã được sự ủng hộ tích cực của hai doanh nghiệp Bình Dương với số tiền lên tới hàng trăm triệu, để xây dựng một quỹ học bổng mang tên Bình Dương và hạ ngầm đường điện với kinh phí hơn 600 triệu đồng do công ty Minh Cường tài trợ.
Với sự nỗ lực của thầy và trò cùng với sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Huyện ủy - Ủy ban nhân dân Huyện Đông Anh, sự hỗ trợ hiệu quả của các xã, các cơ quan, doanh nghiệp, Ban đại diện CMHS,...trường THPT Đông Anh, đã và đang tiến những bước vững vàng với kết quả đáng tự hào. Hàng năm trường luôn đạt được các danh hiệu: Chi bộ trong sạch vững mạnh, Nhà trường đạt Tập thể lao động tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, Tổ chức Công đoàn vững mạnh và vững mạnh xuất sắc, Tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản xuất sắc được Thành Đoàn và Trung ương Đoàn khen tặng. Tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp hàng năm đạt trên mức bình quân thành phố trở lên, tỷ lệ học sinh đạt điểm chuẩn xét vào đại học từ trong năm học trước đạt 93.5%. Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của trường tăng lên theo từng năm: Từ 34 điểm năm học 2000-2001, đến năm học 2019-2020 là 36.25 (điểm đầu vào cao nhất huyện).
Với những gì đã đạt được trong 19 năm qua, trường THPT Đông Anh sẽ tiếp tục trưởng thành, gặt hái thêm nhiều thành công, để khẳng định vị thế vững chắc của mình trong hệ thông giáo dục của huyện Đông Anh nói riêng, của thành phố Hà Nội nói chung.