Trong thời gian qua, vấn đề xâm hại thân thể, bạo lực học đường càng trở nên nhức nhối trong các nhà trường, xã hội. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới thể chất và tinh thần người bị hại. Nếu bạo lực học đường tràn lan, xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống có nguy cơ hình thành một thế hệ trẻ vô cảm, bạo lực. Lúc này hậu quả của bạo lực học đường là cực kỳ nghiêm trọng và nó sẽ trở thành tệ nạn của toàn xã hội không chỉ là vấn nạn gói gọn trong trường học.
Sáng nay, theo giấy mời Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh, đại diện BCH Đoàn Trường, cô Nguyễn Thị Yến Bí thư Đoàn trường đã tham dự phiên toà xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự: Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ngày 06/02/2023 tại xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Phiên toà được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu trung tâm Toà án nhân dân huyện Đông Anh với các điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát, Trường Học viện Toà án và điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tham dự Phiên toà có đồng chí Nguyễn Văn Cường, phó bí thư thường trực Huyện Uỷ Đông Anh, các đồng chí đại diện Viện kiểm sát huyện Đông Anh, các đồng chí đại diện Toà án nhân dân huyện Đông Anh, các đồng chí đại diện Huyện Đoàn Đông Anh và các đồng chí là Bí thư Đoàn và đại diện Hội phụ huynh một số trường THPT trên địa bàn huyện.
Xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội, các em đã rủ nhau bắt giữ người trái pháp luật, dẫn ra cánh đồng Uy Nỗ đánh hội đồng gây ra thương tích cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bị hại.
Tại thời điểm phạm tội, các bị cáo đều ở tuổi vị thành niên, 2 em dưới 16 tuổi. Sử dụng xe quá phân khối khi chưa đủ tuổi và điều kiện để điều khiển. Các em hoàn toàn không ý thức được tính chất nghiêm trọng về các hành vi trái pháp luật của mình.
Các bị cáo đều thiếu hiểu biết về luật pháp, và trong hoàn cảnh thiếu sự quan tâm của gia đình.
Phiên toà khép lại, các bị cáo nhận án thấp nhất 12tháng tù, cao nhất 18 tháng tù treo, có thời gian thử thách cao nhất 36 tháng.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ, cần quan tâm đến con mình nhiều hơn. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường để việc giáo dục con em mình hiệu quả nhất.
Việc bị đưa ra xét xử để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới toàn bộ tương lai, sự nghiệp, tâm lý các con sau này.
Gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp quản lý phương tiện của các con, quản lý tình trạng sử dụng không gian mạng. Tích cực tuyên truyền Pháp luật trong nhà trường. Các hình thức cũng cần mạnh mẽ hơn, thực tiễn, gần gũi và hiệu quả hơn. Để kịp thời ngăn chặn các sự việc tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.