Sáng 19/10, trong cái rét sớm đầu mùa đông, thầy và trò trường THPT Đông Anh đã có một buổi hội thảo chuyên đề “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” vô cùng thú vị và bổ ích do GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Một buổi hội thảo kéo dài gần 4 tiếng, người thầy giáo đã 83 tuổi nhưng vẫn say sưa và đầy nhiệt huyết chia sẻ về các cuộc CMCN trong lịch sử với dấu ấn của nó, về CMCN 4.0 là gì; chúng ta cần thích nghi với thời đại CMCN 4.0 như thế nào và những câu chuyện, những lời khuyên vô cùng ý nghĩa và sâu sắc dành cho các em học sinh.
Giáo sư đã kể chuyện về những điều mắt thấy tai nghe ở nước ngoài: về công nghệ in 3D, về robot thế hệ mới, về vạn vật kết nối, về trí tuệ nhân tạo, về điện toán đám mây, về dữ liệu lớn, về xe tự hành, về công nghệ nano và công nghệ sinh học… “Thật khó để hình dung ra hết những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhưng có điều chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ làm thay mạnh mẽ thế giới của chúng ta trong tương lai” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ. Trong tương lai, khi robot sẽ thay thế công việc của con người, nhiều lao động có nguy cơ bị thất nghiệp.
Không chỉ chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn kể cho các thầy cô, học sinh nghe về những câu chuyện, tấm gương vượt khó và thành công nhằm giúp các em học sinh nhận thức được tốt nhất về những cơ hội và thách thức trong tương lai.
Đó là Nguyễn Ngọc Bảo Khanh "chỉ có một cánh tay rưỡi" nhưng có thể đánh piano, chơi bóng rổ, tập vẽ, viết rất đẹp và viết một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh.
Đó là Lê Thị Thắm - sinh ra không có hai tay như người bình thường nhưng đã vượt lên khó khăn giành giải chữ đẹp cấp tỉnh và đã đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh của Đại học Hồng Đức đã viết trong đơn xin học: "chỉ mong tốt nghiệp đại học để có thể về làng mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em quê mình". “Không dừng lại ở đó Lê Thị Thắm không chỉ viết chữ đẹp mà thêu thùa cũng rất đẹp”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể.
Đó là Trần Hồng Giang bị liệt cả hai chân và hai tay với nghị lực phi thường đã quyết tâm học tập, có thể sử dụng thành thạo vi tính chỉ bằng nửa chiếc đũa ngậm vào miệng và dùng má đẩy con chuột của máy tính, đang quản lý hai trang web của giới văn nghệ Nam Định, đồng thời có nhiều tác phẩm thơ, trường ca, thơ dịch và tiểu thuyết, truyện ngắn xuất sắc.
Và cả câu chuyện của tỷ phú Mười Bơ tuy trình độ chưa hết cấp hai nhưng trở thành tỷ phú nhờ ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên. Câu chuyện về anh Mười Bơ mang đến cho học sinh thông điệp “có chí thì nên, đại học không phải là con đường duy nhất tới thành công và chúng ta không được coi thường người nghèo”.
Từ những tấm gương kể trên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra những lời khuyên sâu sắc và bổ ích cho học sinh và đã truyền cảm hứng, lan tỏa cho học sinh cả trường bằng những câu hô vang ủng hộ.
Mỗi con người đều có lý tưởng và sự đam mê khác nhau, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các em hãy chọn cho mình con đường phù hợp với bản thân để mình có thể trở thành người tự do dùng tri thức của mình để phục vụ cuộc sống.
Đặc biệt, thầy cũng khuyên các em học sinh học thật giỏi ngoại ngữ. Bởi có ngoại ngữ các em mới tiếp cận được khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Giáo sư cũng đã chia sẻ với các em học sinh Trường THPT Đông Anh 3 điều để chọn người yêu gồm: hình thức, có chí và hiểu nhau.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhắc đến cuộc sống bình quân của mỗi con người chỉ có 4.000 tuần lễ. Hãy để 4.000 tuần lễ ấy của mỗi chúng ta trôi qua một cách sôi động, hào hứng, hạnh phúc và có ích.
Làm sao để về sau mọi người biết đến mình đã từng tồn tại, có nghĩa là cuộc sống phải tử tế và phải có những đóng góp cụ thể cho đất nước, cho nhân dân.
Những chia sẻ của thầy về gia đình, cuộc đời, sự nghiệp, những quan niệm sống đều khiến cho thầy và trò trường THPT Đông Anh thấy hứng thú, sâu sắc, xúc động và ý nghĩa. Kết thúc buổi hội thảo, cô Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh đã bày tỏ sự biết sâu sắc và cảm động trước buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.