Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. Trong tiết sinh hoạt dưới cờ ngày 29/11/2021 chi đoàn 11A1.1 đã tổ chức tuyên truyền đến toàn thể các em học sinh nhà trường.
Chương trình của chi đoàn 11A1.1 đã được chuẩn bị chi tiết, đã truyền tải được các vấn đề nổi cộm về HIV- AIDS hiện nay. Dưới đây là một số nọi dung mà chi đoàn đã truyền tải
1. Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS: được tổ chức vào ngày 1/12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia phòng chống dịch AIDS
Về nguồn gốc, "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" được James Bunn và Thomas Netter nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS và chọn ngày 1 tháng 12 năm 1988 là ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.
Từ đó đến nay, Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS được tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 12, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS để Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS với mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
• Một số thông tin
• Mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 ở châu Phi. Mãi đến năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng được phát hiện đầu tiên tại Mỹ. Thành phố nơi dịch HIV bùng phát đầu tiên là Kinshasa, nay là thủ đô Cộng hòa Congo.
• Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh. Dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV.
• Từ năm 1987 đến nay, đã có rất nhiều chiến dịch, chương trình hành động đẩy lùi HIV/AIDS được tổ chức trên toàn thế giới cũng như Việt Nam. Tháng 12 được nhiều nước chọn là Tháng nhận thức bệnh AIDS, nhằm nâng cao nhận thức của công dân toàn cầu về HIV/AIDS.
• Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2020
• Có 37.7 triệu người nhiễm HIV.
• Có 680 nghìn người tử vong vì các vấn đề liên quan đến HIV.
• 1.5 triệu ca nhiễm mới.
• Có 73% người trưởng thành nhiễm HIV phải sống nhờ vào thuốc kháng virus.
• Những số liệu trên cho thấy những mục tiêu quan trọng của năm 2020 vẫn chưa được đáp ứng, dù trên thế giới đã có rất nhiều tiến triển trong việc phòng chống HIV/AIDS trong những thập kỉ gần đây.
• Tiếp nối những sứ mệnh còn dang dở thì trong năm 2021 này, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS là “Chấm dứt BẤT bình đẳng. Chấm dứt bệnh AIDS”.
• Sự phân biệt đối xử và coi thường quyền con người là một trong những nguyên nhân khiến HIV đã và đang là mối lo sức khỏe toàn cầu. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gián đoạn trong các dịch vụ, khiến cho cuộc sống của những người nhiễm HIV càng trở nên khó khăn hơn.
• Vào ngày 01/12 này, với trọng tâm là tiếp cận những người bị bỏ lại phía sau, WHO và các đối tác kêu gọi những nhà lãnh đạo cùng công dân toàn cầu, đối đầu với những bất bình đẳng dẫn đến bệnh AIDS và tiếp cận những người không nhận được các dịch vụ thiết yếu liên quan đến HIV.
2. Vậy trong thế giới hiện đại, những công dân gen Z nhìn nhận như thế nào về HIV/AIDS?
Tập thể 11A1.1 đã phát động một cuộc khảo sát trong phạm vi toàn trường với mục đích đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh trường THPT Đông Anh về HIV/AIDS, từ đó cung cấp thêm những thông tin chính xác.
• Cuộc khảo sát đã nhận được sự tham gia của nhiều học sinh trong toàn trường, với những thống kê cụ thể như sau:
• 65% học sinh tham gia khảo sát cho biết mình được biết về HIV/AIDS từ cấp tiểu học.
• 27% học sinh được biết về HIV/AIDS từ cấp 2
• 8% còn lại từ cấp 3.
=> Điều đó cho thấy đa phần các bạn học sinh đều được phổ cập kiến thức cũng như thông tin cơ bản về HIV/AIDS từ khi còn nhỏ.
• Tuy nhiên, khi được hỏi tự đánh giá mức độ hiểu biết của mình về HIV/AIDS, phần đông học sinh chỉ chọn mức TB-Khá. Cụ thể như sau:
• 23% học sinh chọn mức Biết
• 69% chọn mức Hiểu
• 8% chọn mức Nắm chắc
.=> Đa số các bạn đã biết và hiểu những thông tin cơ bản của HIV/AIDS nhưng chỉ có một số ít các bạn nắm rõ về vấn đề này
.
• Ngoài ra, khi được hỏi liệu bạn có thoải mái làm quen và tiếp xúc với những người nhiễm HIV/AIDS, số liệu ghi nhận được như sau:
• Chỉ có 26,2% học sinh được hỏi chọn mức 5/5, nghĩa là họ sẵn sàng giao tiếp với những người nhiễm HIV/AIDS như người bình thường.
• và có 26,9% chọn mức 4/5, tức là vẫn còn có sự dè chừng dù họ có thể chủ động.
• Theo sau là 22,3% chọn mức 3, 13,1% chọn mức 2 và 11,5% chọn mức 1, tức là gần nửa số học sinh được hỏi cho biết họ vẫn khá thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm HIV/AIDS.
• Chưa đánh giá cao về tầm hiểu biết của mình cũng như có sự dè chừng nhất định với HIV/AIDS mà các bạn học sinh trả lời như sau khi được hỏi ‘liệu bạn có tự tin là một người tuyên truyền viên tốt’:
• Số đông học sinh tương ứng với 36.9% chọn mức 3 là mức trung bình, 23.8% học sinh chọn mức 2 và 8.5% học sinh chọn mức 1, nghĩa là không tự tin mình có khả năng tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS.
• Phần trăm học sinh chọn mức tốt là mức 4 và 5 chỉ rơi vào 23.1% và 7.7%, đặc biệt thấp ở mức 5.
=> Tất cả những thống kê trên cho thấy, dù được tiếp cận với những thông tin về HIV/AIDS từ tuổi rất nhỏ, đa số học sinh vẫn chưa thực sự cảm thấy tự tin về vốn hiểu biết của mình với loại bệnh này và thậm chí có nhận định chưa đúng đắn, dẫn đến sự e dè khi đề cập đến HIV/AIDS cũng như hạn chế trong việc giao tiếp và đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.
Vì vậy, chúng em xin phép được phổ cập thêm một số thông tin chính xác và thiết thực về HIV/AIDS như sau.
3. HIV/AIDS
• Trước tiên, ta cần biết những thông tin cơ bản về HIV.
Chúng em cũng đã hỏi các bạn học sinh về kiến thức cơ bản này, và đáng mừng là đa số đã có câu trả lời đúng.
• Hiểu đơn giản, HIV là một loại virus làm suy giảm miễn dịch ở người, một tình trạng làm hệ miễn dịch của con người bị suy giảm cấp tiến, tạo điều kiện cho những nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh làm đe dọa đến mạng sống của người bị nhiễm.(Vì vậy, HIV là một loại virus chứ không phải một loại bệnh, càng không phải bệnh truyền nhiễm hay bệnh di truyền).
• HIV lây nhiễm vào các tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người như lympho bào T - CD4, đại thực bào và tế bào tua. Nhiễm HIV làm giảm mạnh số lượng tế bào CD4 và khi số lượng các tế bào CD4 giảm xuống dưới một mức giới hạn nào đó, sự miễn dịch qua trung gian tế bào bị vô hiệu và cơ thể dần dần yếu đi tạo điều kiện cho các nhiễm trùng cơ hội.
• Với quy chế hoạt động như thầy cô và các bạn đã thấy trong video, Mọi giới tính đều có khả năng lây nhiễm HIV/AIDS. Một người bị nhiễm HIV có thể cảm thấy vẫn bình thường và vẫn có khả năng truyền virus cho người khác.
• Một số đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS là:
• Người mua bán dâm
• Người tiêm chích ma túy
• Trẻ mới đẻ có mẹ bị nhiễm HIV
• Nhân viên y tế ( do có thể bị nhiễm HIV sau khi bị chọc bởi kim có máu nhiễm HIV của bệnh nhân, hoặc sau khi sau khi máu bị nhiễm trùng, bị cắt hoặc bắn vào mắt hay bên trong mũi)
• Biểu hiện HIV tuy không có thời gian cố định nhưng thời gian xuất hiện các biểu hiện sớm của bệnh HIV sau khi người bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh là khoảng từ 2-6 tuần. Việc phát hiện các triệu chứng và làm xét nghiệm sớm giúp người bệnh được điều trị kịp thời.
• Một số triệu chứng nhiễm HIV/AIDS là
• Nôn ói và tiêu chảy
• Sụt cân dù ăn uống bình thường
• Móng tay, móng chân đổi màu
• Nhiễm trùng nấm
• Khó tập trung, hay nhầm lẫn
• Tê và ngứa râm ran ở bàn chân, bàn tay
• Rối loạn kinh nguyệt thường xuyên
…
• Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu AIDS là j?
• AIDS là một căn bệnh có thể phát triển ở những người nhiễm HIV. Đây là giai đoạn nặng nhất của HIV, nhưng không có nghĩa một người nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS. Như vậy, một người bị AIDS chắc chắn nhiễm virus HIV, còn một người nhiễm virus HIV chưa chắc đã bị AIDS.
• Như chúng ta đã biết, virus HIV làm chết các tế bào CD4. Một người trưởng thành khỏe mạnh thường có số lượng tế bào CD4 từ 500 - 1.500 tế bào/mm khối. Còn một người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm khối sẽ được chẩn đoán mắc AIDS.
• Một người cũng có thể được chẩn đoán bị AIDS nếu như họ bị nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà hiếm gặp ở những người không có virus HIV.
4. AIDS tiến triển như thế nào?
• Người nhiễm HIV nếu không được điều trị thì có thể tiến triển thành AIDS trong vòng 10 năm. Không có cách chữa bệnh AIDS và nếu không điều trị thì bệnh nhân có thể sống thêm khoảng ba năm. Thời gian sống có thể ngắn hơn nếu như bệnh nhân mắc phải các bệnh cơ hội nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc kháng virus có thể ngăn ngừa AIDS phát triển.
• AIDS phát triển đồng nghĩa với việc hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bị tổn hại nghiêm trọng. Hệ thống miễn dịch đã suy yếu tới mức không thể chống lại hầu hết các bệnh và nhiễm trùng. Điều này làm cho bệnh nhân dễ bị một loạt các bệnh, bao gồm:
· Viêm phổi;
· Lao;
· Tưa miệng, nhiễm nấm trong miệng hoặc cổ họng;
· Nhiễm Cyto megalo virus (CMV);
· · Nhiễm trùng não do ký sinh trùng Toxoplasma Gondii;
· Ung thư, bao gồm Kaposi’s Sarcoma (KS) và ung thư hạch.
• Tuổi thọ của bệnh nhân AIDS không được điều trị sẽ bị rút ngắn là kết quả trực tiếp của các hội chứng trên. Hay nói cách khác đây là kết quả của các bệnh và biến chứng phát sinh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu do AIDS.
• Như chúng em đã đề cập trước đó, hiện nay đã có thuốc kháng virus (ARV) - một loại thuốc ức chế sự phát triển của HIV. Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cho thấy việc sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị cho người nhiễm HIV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Nói một cách đơn giản, khi điều trị cho người nhiễm HIV sẽ kiểm soát được tải lượng virus HIV trong máu của họ, từ đó sẽ làm giảm nguy cơ hoặc không làm lây nhiễm HIV sang người khác. Ngoài ra, thuốc ARV còn có tác dụng điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV.
• Do đó, nếu được phát hiện kịp thời, người nhiễm HIV có thể được chữa trị và giảm khả năng lây bệnh.
• Vậy đâu là những con đường có thể lây nhiễm HIV/AIDS và cách phòng, tránh?
Việc nhiễm virus HIV chỉ xảy ra khi có một hoặc nhiều chất dịch trên của người bệnh xâm nhập vào trong máu của bạn. Điều này có thể xảy ra thông qua chỗ da bị vỡ hoặc lớp lót trong miệng, hậu môn, dương vật hoặc âm đạo. Vì vậy, mọi người thường nhiễm HIV qua
1. Đường máu (tiêm chích, vết thương hở, truyền máu,...)
2. Sữa mẹ (Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus cho con trước hoặc trong khi chúng được sinh ra hoặc khi cho con bú)
3. Tinh dịch, dịch âm đạo và trực tràng
HIV không lây nhiễm qua các cách sau:
• Tiếp xúc da kề da
• Nước bọt, nước mắt, mồ hôi
• Chia sẻ đồ ăn, đồ uống
• Các giao tiếp thông thường: Ôm, bắt tay, hôn, ho, hắt hơi, nói chuyện
• Dùng chung nhà vệ sinh, khăn tắm, chăn ga, bồn tắm, bể bơi
• Muỗi và các côn trùng khác
(Câu trả lời của đa số các bạn học sinh trong phiếu khảo sát có tỉ lệ chính xác cao, tuy nhiên vẫn còn một số bạn chọn chưa đúng.)
Điều cần lưu ý đó là nếu một người bị nhiễm HIV đang được điều trị và có số lượng virus không thể phát hiện được, thì hầu như không thể truyền virus cho người khác.
Qua thông tin trên, chúng ta biết được rằng mình hoàn toàn có thể làm quen, giao tiếp và thậm chí là sinh hoạt bình thường cùng những người nhiễm HIV/AIDS. Do đó, chúng ta không có lí do gì để xa lánh hay kì thị họ.
Tuy nhiên, vẫn cần đặc biệt lưu ý: Để phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS, ta cần
• Chỉ sử dụng kim tiêm vô trùng hoặc đã tiệt trùng. Không dùng chung kim tiêm với người khác, đặc biệt là những người nhiễm HIV/AIDS.
• Không tiêm chích ma túy
• Không quan hệ tình dục bừa bãi và phải sử dụng các biện pháp an toàn.
• Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
• Dùng riêng các đồ dùng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, bấm móng tay,...
• Phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai, vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%. Nếu có thai thì uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
• Chúng em xin tóm tắt các thông tin như sau:
• HIV là một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người
• Nhiễm HIV thời gian dài có thể dẫn đến AIDS, một hội chứng suy giảm miễn dịch, từ đó dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm, thường dẫn đến tử vong.
• Hiện nay đã có thuốc kháng virus, nếu phát hiện và điều trị kịp thời có thể giảm tình trạng bệnh và giảm nguy cơ lây bệnh.
• HIV lây qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ sang con lúc mang thai hoặc cho con bú, nên cần tuân thủ các biện pháp an toàn để phòng, tránh lây nhiễm HIV.
• HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ôm, bắt tay, nói chuyện nên chúng ta không có lí do gì để xa lánh hay kì thị các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Sau ngày hôm nay, bạn đã tự tin rằng mình có thể làm một tuyên truyền viên tốt về HIV/AIDS hay chưa?